Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Làm gì để chấm dứt “văn mẫu, bài mẫu”?
Lượt xem: 218
 
Cô Dương Thị Huyên và các học trò Trường THCS Lê Văn Thiêm (TP Hà Tĩnh). 	Ảnh: NVCCCô Dương Thị Huyên và các học trò Trường THCS Lê Văn Thiêm (TP Hà Tĩnh). Ảnh: NVCC

Tuy nhiên để viết được một bài văn biểu cảm hay, đặc biệt với học sinh lớp 6, lớp 7 là điều không dễ dàng. Chính vì thế, rất nhiều em đang tạo lập văn bản một cách máy móc, sao chép từ một bài viết có sẵn nào đó. Trong bài viết này tôi xin trao đổi một số phương pháp rèn kỹ năng làm văn biểu cảm cho học sinh THCS - biểu cảm về thiên nhiên, cảnh vật.

Cảm xúc chưa thật sự rõ nét

Văn biểu cảm là văn bản viết ra nhằm biểu đạt tình cảm, cảm xúc, sự đánh giá của con người đối với thế giới xung quanh và khêu gợi lòng đồng cảm nơi người đọc. Thông thường những bài văn biểu cảm tập trung biểu đạt một tình cảm chủ yếu. Tình cảm ấy được bộc lộ trực tiếp thông qua những suy nghĩ, những nỗi niềm, những cảm xúc trong lòng người hoặc gián tiếp qua sự việc, hình ảnh...

Văn biểu cảm có thể chia ra làm 4 nhóm: Văn biểu cảm về thiên nhiên, cảnh vật; biểu cảm về người; biểu cảm về một tác phẩm văn học; biểu cảm về một con vật, đồ vật...

Văn biểu cảm về thiên nhiên, cảnh vật có thể nói là thể văn đa dạng, phong phú nhất trong thể văn này. Nó được chia thành nhiều nhóm nhỏ như biểu cảm về mùa, về một loài hoa, loài quả, cây cối, dòng sông, cánh đồng... Trong văn biểu cảm không có sự biểu cảm chung chung.

Cần cụ thể về cái gì, vật gì, việc gì… làm ta xúc động? Vì vậy để làm tốt một bài văn biểu cảm, bên cạnh những cảm xúc chân thành thì người viết còn phải biết vận dụng, kết hợp nhuần nhuyễn phương thức biểu cảm với các phương thức biểu đạt khác như tự sự, miêu tả để bộc lộ rõ thái độ, tình cảm gián tiếp thông qua những đối tượng, những hình ảnh có ý nghĩa ẩn dụ.

Qua thực tế dạy chương trình Ngữ văn THCS, đặc biệt ở lớp 7, tôi nhận thấy kĩ năng vận dụng các phương thức biểu đạt trong văn bản, kĩ năng viết, bộc lộ cảm xúc trong bài tập làm văn của nhiều học sinh chưa cao, cảm xúc chưa thật sự rõ nét và nhiều em còn sa vào lối viết văn tự sự và miêu tả.

Để khắc phục tình trạng này, bản thân là một giáo viên đã nhiều năm dạy môn Ngữ văn, trực tiếp bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, tôi đã sử dụng nhiều giải pháp; trong đó có việc củng cố kiến thức, kỹ năng cơ bản; giúp học sinh nắm được bản chất, đặc trưng của văn biểu cảm và từ đó rèn kỹ năng luyện tập về văn biểu cảm...

Tuy nhiên, khi vận dụng phương thức miêu tả và tự sự vào văn biểu cảm thì cũng cần lưu ý: Có tả thì cũng không tả một cách cụ thể, hoàn chỉnh; có kể thì cũng không kể một cách chi tiết, đầy đủ, rõ ràng. Người viết văn biểu cảm chỉ chọn những đặc điểm, những sự việc, những thuộc tính nào đó có khả năng gợi cảm để biểu hiện tư tưởng, tình cảm của mình.

Ví dụ, khi viết về mùa xuân phải bày tỏ cảm xúc về những đặc trưng về mùa xuân như mưa phùn, sắc hoa, sức sống mùa xuân ngập tràn khắp nhành cây, ngọn cỏ, gió xuân nhè nhẹ… Mùa xuân còn gắn với không khí Tết cổ truyền của dân tộc... Mùa hạ gắn với trời trong veo, nắng vàng rải khắp muôn nơi, hoa phượng đỏ rực khắp nơi, hương sen ngào ngạt... Mùa hạ cũng là mùa thi, mùa nhớ, mùa chia tay của tuổi học trò đầy kỉ niệm vui buồn...

Không cứng nhắc, sáo rỗng

Ảnh minh họa/INT

Về bố cục, bài văn biểu cảm cũng được tổ chức theo mạch cảm xúc của người viết. Do vậy, trình tự các ý, các phần trong văn biểu cảm thường được sắp xếp rất tự nhiên, không gò bó cứng nhắc. Về thái độ, tình cảm, phải đảm bảo tính chân thực, trong sáng, rõ ràng, có nghĩa là không được giả dối, sáo rỗng.

Có như vậy, văn biểu cảm mới đi vào lòng người. Muốn vậy thì bên cạnh việc giúp học sinh nắm được các bước làm bài văn biểu cảm giáo viên cần phải giúp học sinh nắm được cách lập ý trong văn biểu cảm. Đây là khâu hết sức quan trọng.

Thường có bốn cách lập ý. Đó là liên hệ hiện tại với tương lai. Đây là hình thức mà người viết phải dùng trí tưởng tượng để liên tưởng tới tương lai, mượn hình ảnh tương lai để khơi gợi cảm xúc về đối tượng biểu cảm trong hiện tại. Cách biểu cảm này tạo nên mối liên hệ với tương lai.

Ví dụ từ hình ảnh khẳng khiu nom đến là tội của những cành bàng mùa đông người viết mong mùa xuân đến sớm để nhựa sống trong những cành cây trơ trụi ấy sẽ thành lá non tơ... Hồi tưởng quá khứ và suy nghĩ hiện tại cũng là hình thức liên tưởng tới những kí ức trong quá khứ, làm sống dậy những kỉ niệm để từ đó suy nghĩ về hiện tại.

Đây cũng là hình thức lấy quá khứ soi cho hiện tại khiến cho cảm xúc của con người trở nên sâu lắng hơn. Cách biểu cảm này sẽ tạo nên mối liên hệ gắn kết rất tự nhiên và nhuần nhuyễn giữa hiện tại và quá khứ.

Bên cạnh đó, tưởng tượng tình huống, hứa hẹn, mong ước cũng là hình thức liên tưởng phong phú, từ những hình ảnh thực đang hiện hữu để đặt ra các tình huống và gửi gắm vào đó những suy nghĩ và cảm xúc về đối tượng biểu cảm cũng như những ước mơ hi vọng. Cách biểu cảm này đòi hỏi người viết văn biểu cảm phải có trí tưởng tượng phong phú.

Một phép lập ý nữa là cần quan sát, suy ngẫm. Đây là hình thức liên tưởng dựa trên sự quan sát những hình ảnh đang hiện hữu trước mắt để có những suy ngẫm về đối tượng biểu cảm. Cách lập ý này thường tạo nên những cảm xúc chân thực, sâu sắc.

Cách sử dụng ngôn ngữ cũng góp phần lớn trong việc tạo văn bản biểu cảm. Ngôn ngữ phải mượt mà, giàu cảm xúc.

Có thể sử dụng một số từ, cụm từ, câu biểu cảm để thể hiện tình cảm, cảm xúc, cách đánh giá về thế giới xung quanh: Yêu, nhớ, thương, buồn, quý, ghét, thích, mến, nhớ da diết, nhớ nhung, quên làm sao được, nhớ như in, hằn sâu trong kí ức, không thể nào quên, đong đầy kỉ niệm, tự hào, bâng khuâng, nao nao, man mác, đậm sâu trong kí ức, mong chờ, khát khao gặp lại, thích thú đến vô cùng...

Nhiều khi từ một câu kể, câu tả nhưng các em biết sử dụng, kết hợp các từ ngữ ấy một cách nhuần nhuyễn thì sẽ trở thành đặc trưng của văn biểu cảm. So sánh hai đoạn văn các em có thể thấy rõ điều đó:

Đoạn văn 1: Quê hương tôi có dòng sông La rất đẹp; có dãy núi Hồng Lĩnh sừng sững, hiên ngang tạc giữa mây trời; có những bãi biển mênh mông... Ở đây cũng có những di tích lịch sử, có nhiều vị anh hùng dân tộc, nhiều mảnh đất mang dấu tích của một thời bom đạn.

Đoạn văn 2: Tôi yêu quê tôi! Tôi yêu tất cả những gì thuộc về mảnh đất này. Tôi yêu dòng sông La - nơi hợp lưu của hai con sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố. Yêu sao màu nước sông xanh biếc như tấm gương khổng lồ màu ngọc bích vừa in nền trời vừa soi đáy nước.

Tôi yêu lắm dãy núi Hồng Lĩnh với 99 ngọn sừng sững, hiên ngang tạc giữa mây trời, nơi gắn với sự tích con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc. Tôi thích thú vô cùng khi được đứng trên bãi cát mênh mông nhìn ra biển xanh vô tận.

Tôi tự hào với những di tích lịch sử của quê hương, của vùng đất đã sinh ra biết bao nhiêu người con ưu tú. Và chắc chắn, người dân quê tôi cũng sẽ không bao giờ quên được những dấu tích của một thời đạn bom ác liệt chống giặc xâm lăng...

Bên cạnh đó, việc sử dụng các biện pháp tu từ như điệp ngữ, câu hỏi tu từ, nhân hóa, so sánh, nói quá... cũng cần phải được sử dụng hiệu quả. Ví dụ ở đoạn văn 2 biện pháp điệp ngữ “Tôi yêu” đã nhấn mạnh được tình cảm của người viết với quê hương mình...

Như vậy, trên đây là một số kỹ năng cơ bản trong quá trình tạo lập văn bản biểu cảm – biểu cảm về thiên nhiên, cảnh vật.

Tin khác
1 2 3