Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Chính sách mới về giáo dục và đào tạo có hiệu lực từ tháng 5.2022
Lượt xem: 187
Từ tháng 5.2022, nhiều chính sách mới liên quan đến giáo viên, học sinh, sinh viên, tiêu chuẩn người biên soạn sách giáo khoa...có hiệu lực.

Sinh viên ngành Toán được cấp học bổng 2,4 triệu đồng/tháng

Thông tư số 22/2022/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện Chương trình trọng điểm Quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030 do Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực từ ngày 15.5.

Theo đó, sinh viên ngành toán sẽ được xét cấp học bổng theo các tiêu chí quy định của Bộ GDĐT. Mức học bổng bằng mức trần học phí của năm học hiện hành đối với chuyên ngành toán tại các cơ sở giáo dục đại học, quy định tại điểm b khoản 1 điều 11 nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Cụ thể, sinh viên ngành toán có thể được cấp học bổng 2,4 triệu đồng/tháng; được cấp theo từng kỳ học và cấp 10 tháng trong năm học.

Ngoài ra, thông tư cũng quy định việc chi giải thưởng cho các nghiên cứu xuất sắc về Toán học xuất sắc để nâng cao chất lượng công bố; hỗ trợ giảng viên, giáo viên trẻ thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng Toán học.

Học viên, sinh viên sư phạm ngành Toán, giáo viên môn Toán cốt cán, giáo viên trung học phổ thông chuyên Toán cũng được nhận khoản hỗ trợ.

Bên cạnh đó, thông tư quy định việc tổ chức các khóa bồi dưỡng dành cho học sinh, sinh viên về các chủ đề thời sự trong Toán hiện đại nhằm phát hiện và bồi dưỡng tài năng Toán học; bồi dưỡng giảng viên môn Toán các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15.5.2022.

Học sinh, sinh viên được vay vốn tối đa 4 triệu đồng/tháng

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27.9.2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

Theo đó, tăng mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên lên 4 triệu đồng/tháng từ ngày 19.5.2022. (Mức vay vốn tối đa đối với học sinh, sinh viên hiện nay là 2,5 triệu đồng/tháng).

Ngoài ra, Quyết định 05/2022/QĐ-TTg còn sửa đổi đối tượng cho vay vốn đối với học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: Hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; (quy định mới); hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật (quy định mới).

Sửa đổi quy định về tiêu chuẩn người biên soạn sách giáo khoa  

Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT sửa đổi quy định tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa ban hành kèm theo thông tư 33/2017/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 5.5.2022.

Theo đó, người biên soạn sách giáo khoa phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau: Có trình độ được đào tạo từ đại học trở lên theo chuyên ngành phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được biên soạn; am hiểu về khoa học giáo dục.

Đồng thời, phải có ít nhất ba năm trực tiếp giảng dạy hoặc nghiên cứu về chuyên môn phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được biên soạn; là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt.

Thời gian đào tạo trung cấp, cao đẳng tối đa là 4,5 năm

Kể từ ngày 15.5.2022, thông tư 04/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, thương binh và xã hội quy định về tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo tín chỉ sẽ chính thức có hiệu lực.

Theo đó, thời gian tối đa để người học hoàn thành chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng sẽ do hiệu trưởng quyết định nhưng phải đảm bảo không vượt quá 1,5 lần thời gian đào tạo đối với chương trình từ 2 đến 3 năm học; không vượt quá 2 lần thời gian đào tạo đối với chương trình từ một đến dưới 2 năm học, không bao gồm thời gian bảo lưu.

Trong khi hiện nay, thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH quy định thời gian tối đa không vượt quá 2 lần thời gian thiết kế cho chương trình từ 2 đến 3 năm học, không vượt quá 3 lần thời gian thiết kế cho chương trình từ 1 đến dưới 2 năm học.