Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Chính sách cho giáo viên mầm non
Lượt xem: 229
Cử tri đề nghị quan tâm điều chỉnh nâng lương và các chế độ khác cho các giáo viên mầm non vì công việc hằng ngày của họ rất nhiều và rất áp lực, mức lương hiện nay là quá thấp, không tương xứng với công sức mà họ đã bỏ ra; đồng thời qui định cứng tiền lương đối với bảo mẫu để bảo mẫu không bị áp lực tận tâm với công việc, hạn chế được việc trẻ em bị ngược đãi, xâm hại như trong thời gian qua.    

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

Theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và các Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp trong các cơ sở giáo dục công lập thì lương của giáo viên nói chung (giáo viên mầm non nói riêng) đều căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong đó có tiêu chuẩn về trình độ đào tạo.

Hiện tại, giáo viên được tính hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, đối với giáo viên vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, giáo viên dạy trẻ khuyết tật, dạy lớp ghép, giáo viên đặc thù,... có những chính sách riêng, tuy nhiên thực tế lương của giáo viên (nhất là giáo viên mầm non) còn thấp, hệ thống chính sách còn tản mạn, nhiều văn bản quản lý chưa thực sự đồng bộ, chưa đủ nguồn lực bố trí cho các chính sách, chậm và chưa bảo đảm các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt.

Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/03/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ không quy định vị trí việc làm bảo mẫu trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Vì vậy, để có người làm công tác cấp dưỡng, bảo vệ, thủ trưởng các cơ sở giáo dục mầm non công lập có thể trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chỉ tiêu, tiền lương của người làm công tác cấp dưỡng, bảo vệ, trực tiếp ký hợp đồng lao động với người làm công tác cấp dưỡng, bảo vệ theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP trên cơ sở phê duyệt của cấp có thẩm quyền. 

Đối với trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập thuộc loại hình tư thục, chế độ làm việc, tiền lương của người trông giữ trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận của giữa cơ sở giáo dục mầm non, giáo viên và phụ huynh.

Thực hiện Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ/ngành liên quan xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức ngành giáo dục. Theo đó, lương của giáo viên mầm non, phổ thông, giảng viên các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm được đề xuất tương xứng tính chất mức độ phức tạp của công việc và đặc thù nghề nghiệp, trong đó cũng căn cứ vào trình độ chuẩn của giáo viên được quy định trong Luật giáo dục số 43/2019/QH14 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020) cho phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, đảm bảo tính “an sinh” của hệ thống tiền lương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương tăng cường các giải pháp đồng bộ để đảm bảo chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ và không để xảy ra tình trạng trẻ em bị ngược đãi, xâm hại.