image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng tham dự Hội thảo quan trọng về Luật Nhà giáo và chính sách giáo dục
Lượt xem: 34

Sáng ngày 17/7/2025, tại Hội trường A, cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), đã diễn ra Hội thảo tham vấn chuyên môn về một số nội dung hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo, chính sách cho nhà giáo, lãnh đạo giáo dục và nhân sự trường học trong bối cảnh mới. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại các điểm cầu Sở GDĐT trên cả nước.

Tại điểm cầu Sở GDĐT Cao Bằng, có đồng chí Nguyễn Ngọc Thư, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cùng 22 đồng chí là đại diện Lãnh đạo, chuyên viên thuộc các phòng chuyên môn, chức năng thuộc Sở đã tham dự đông đủ. Hội thảo này đánh dấu một bước quan trọng trong việc triển khai Luật Nhà giáo (gồm 9 chương, 42 điều) vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 16 tháng 6 năm 2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và Luật Nhà giáo sẽ có hiệu lực thực hiện từ ngày 01/01/2026.

anh tin bai

Luật Nhà giáo được ban hành là một dấu mốc lịch sử, lần đầu tiên được Quốc hội ban hành một đạo luật riêng quy định đầy đủ về vị trí, vai trò, quyền, nghĩa vụ và các chế độ, chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo, nhằm tôn vinh, chăm lo, bảo vệ và phát triển lực lượng then chốt này của sự nghiệp giáo dục.

          Tại Hội thảo, Báo cáo đề dẫn đã nêu bật 05 điểm đáng chú ý trong Luật Nhà giáo, gồm:

Một là, khẳng định vị thế, bảo vệ danh dự và uy tín nghề giáo

Luật Nhà giáo xác định nhà giáo là lực lượng nòng cốt của ngành giáo dục, có vị thế quan trọng trong xã hội, được tôn trọng, bảo vệ và tôn vinh. Nhà giáo được coi là "viên chức đặc biệt" và "người lao động đặc biệt", được bảo đảm các quyền trong hoạt động nghề nghiệp, bao gồm quyền được tôn trọng, bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm. Đồng thời, Luật cũng quy định nghĩa vụ của nhà giáo trong việc giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự, nhân phẩm, đạo đức nghề nghiệp, mẫu mực và nêu gương trong hoạt động nghề nghiệp và ứng xử xã hội, đảm bảo liêm chính học thuật.

Đặc biệt, Luật quy định rõ những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo, như không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách hoặc đăng tải, phát tán thông tin quy kết trách nhiệm khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Luật cũng xử lý nghiêm khắc các hành vi xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của nhà giáo, đặc biệt là trong phạm vi cơ sở giáo dục hoặc khi nhà giáo thực hiện hoạt động nghề nghiệp, nhằm bảo vệ tối đa danh dự và uy tín của nghề giáo.

Hai là, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp

Đây là một trong những điểm đột phá quan trọng nhất của Luật Nhà giáo. Quy định này làm cơ sở để Chính phủ ban hành các quy định chi tiết về chính sách tiền lương, đảm bảo lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Ngoài ra, nhà giáo còn được hưởng các khoản phụ cấp đặc thù như phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp ưu đãi, trợ cấp vùng khó khăn, trợ cấp giáo dục hòa nhập, thâm niên, lưu động, góp phần nâng cao thu nhập toàn diện cho đội ngũ.

Ba là, Một số chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, thu hút tốt hơn đối với nhà giáo

Luật Nhà giáo quy định nhiều chính sách đãi ngộ và hỗ trợ toàn diện cho nhà giáo, áp dụng cho cả khu vực công lập và ngoài công lập. Cụ thể:

- Chế độ trợ cấp và hỗ trợ: Nhà giáo được hưởng chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, và chế độ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp.

- Hỗ trợ về chỗ ở: Nhà giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn sẽ được bố trí nhà ở công vụ hoặc chỗ ở tập thể, hoặc được hỗ trợ tiền thuê nhà.

- Chính sách thu hút: Luật có chính sách thu hút, trọng dụng người có trình độ cao, tài năng, năng khiếu đặc biệt, kỹ năng nghề cao, đặc biệt là những người đến làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn hoặc trong các lĩnh vực trọng yếu, thiết yếu.

- Chính sách hưu trí linh hoạt: Giáo viên mầm non, nếu có nguyện vọng, được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn không quá 05 năm so với quy định của Bộ luật Lao động và không bị giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu nếu có đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ hoặc nhà giáo làm việc trong lĩnh vực chuyên sâu đặc thù có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.

Các chính sách này không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất mà còn là giải pháp tổng thể nhằm thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, thu hút người giỏi từ các ngành nghề trọng yếu trở thành nhà giáo, cũng như giữ chân những nhà giáo công tác lâu năm và đảm bảo chất lượng đồng đều giữa các vùng miền.

Bốn là, chuẩn hóa và phát triển đội ngũ - nâng cao chất lượng giáo dục

Luật Nhà giáo đã hợp nhất hai hệ thống tiêu chuẩn (chức danh nghề nghiệp và chuẩn nghề nghiệp) thành một hệ thống chung là chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Hệ thống chuẩn mới này sẽ được áp dụng thống nhất cho cả nhà giáo công lập và ngoài công lập.

          Chuẩn nghề nghiệp nhà giáo sẽ là căn cứ quan trọng trong các hoạt động tuyển dụng, bố trí, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo, cũng như trong việc xây dựng và thực hiện chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo. Quy định này nhằm đảm bảo chuẩn hóa đội ngũ, tạo mặt bằng chung về chất lượng và cơ hội phát triển nghề nghiệp như nhau cho nhà giáo ở tất cả các loại hình cơ sở giáo dục.

Năm là, tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục và giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục

Luật Nhà giáo trao quyền tự chủ lớn hơn cho các cơ sở giáo dục và tăng cường quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong công tác quản lý và phát triển đội ngũ. Cụ thể:

- Người đứng đầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và cơ sở giáo dục đại học công lập có quyền chủ động trong công tác tuyển dụng nhà giáo.

- Quốc hội giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.

- Chính phủ được giao quy định chi tiết về thẩm quyền điều động nhà giáo, đảm bảo vai trò của ngành Giáo dục trong việc chủ động điều tiết nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục.

- Việc phân cấp và giao quyền chủ động này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những "điểm nghẽn" trong chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt là trong việc giải quyết bài toán thừa, thiếu đội ngũ, đồng thời giúp chủ động điều phối và hoạch định các kế hoạch phát triển đội ngũ trong tương lai.

Hội thảo tiếp tục với các phiên thảo luận chuyên sâu, lắng nghe ý kiến tham luận từ các chuyên gia trong nước và quốc tế về bối cảnh quốc tế và trong nước liên quan đến chính sách nhà giáo, cũng như các khuyến nghị chính sách từ Báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu năm 2024, 2025. Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ GDĐT hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo, đảm bảo hiệu lực thi hành đồng bộ và hiệu quả từ ngày 01 tháng 01 năm 2026.

          Sự tham gia tích cực của Sở GDĐT tại Hội thảo một lần nữa khẳng định cam kết của ngành giáo dục Cao Bằng trong việc triển khai hiệu quả Luật Nhà giáo, góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong bối cảnh mới.

Phòng Tổ chức cán bộ