Sở GDĐT tỉnh Cao Bằng tham dự Hội thảo đánh giá các điều kiện ngôn ngữ, trữ lượng văn hoá, văn học đáp ứng chương trình tiếng Mông, tiếng Thái bậc trung học theo Thông tư số 34/2020/TT-BGDĐT
Ngày 09/7/2025,
Bộ GDĐT tổ chức Hội thảo đánh giá các điều kiện ngôn ngữ, trữ lượng văn
hoá, văn học đáp ứng chương trình tiếng Mông bậc trung học theo Thông tư số
34/2020/TT-BGDĐT tại Khách
sạn BIDV Đồ Sơn, số 1 Lý Thánh Tông, phường Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Tham dự Hội thảo lần này có các
lãnh đạo, chuyên viên, giáo viên các các Sở GDĐT các tỉnh Cao Bằng, Tuyên
Quang, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Thái Nguyên, Nghệ An, Thanh Hóa và
các chuyên gia về lĩnh vực giáo dục dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa.
Đại biểu tham dự Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, đại diện Bộ GDĐT nhấn mạnh
vai trò thiết yếu của việc bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết, cũng như
bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Thái trong giáo dục. Việc
triển khai dạy học tiếng Mông, tiếng Thái theo Chương trình giáo dục phổ thông
mới là bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc
thiểu số, tạo điều kiện để học sinh dân tộc Mông, dân tộc Thái được học tập
bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình.
Bà Vũ Thị Ánh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông phát biểu
khai mạc Hội thảo
Tại Hội
thảo, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa dân tộc Mông, dân tộc Thái và các
đại biểu đã trình bày nhiều tham luận và thảo luận sôi nổi xoay quanh những nội
dung như: hiện trạng và tiềm năng sử dụng tiếng Mông, tiếng Thái trong nhà
trường; tình hình biên soạn, xuất bản tài liệu giảng dạy tiếng Mông, tiếng Thái
hiện nay; đánh giá
trữ lượng văn học dân gian, văn học hiện đại dân tộc Mông, dân tộc Thái có thể
khai thác phục vụ giảng dạy; những khó khăn, thách thức và đề xuất giải pháp
thực tiễn trong việc triển khai chương trình môn Tiếng Mông, Tiếng Thái theo
Thông tư 34/2020/TT-BGDĐT. Từ đó, Hội thảo đã rà soát, đánh giá một cách toàn
diện về các điều kiện phục vụ việc triển khai chương trình môn học Tiếng Mông,
Tiếng Thái ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, đặc biệt là các yếu tố
ngôn ngữ, trữ lượng văn hóa và văn học dân tộc Mông, dân tộc Thái - những nền
tảng quan trọng để xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu và tổ chức dạy học
hiệu quả.

Chuyên
gia phát biểu tại Hội thảo
Kết
luận Hội thảo, các đại biểu thống nhất cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu, tăng
cường đào tạo đội ngũ giáo viên, đồng thời đẩy mạnh việc sưu tầm, hệ thống hóa
kho tàng ngôn ngữ, văn hóa, văn học của dân tộc Mông, dân tộc Thái để làm cơ sở
cho việc dạy học tiếng Mông, tiếng Thái bài bản, bền vững. Hội thảo cũng đưa ra
nhiều kiến nghị cụ thể gửi Bộ GDĐT để hoàn thiện các điều kiện triển khai
chương trình trong thời gian tới.
Phòng
Giáo dục Trung học