Giữ hồn tiếng mẹ - Hành trình của học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng tại cuộc thi “Bảo tồn tiếng Tày, Nùng dành cho học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng”
Giữa dòng chảy văn hóa
không ngừng biến đổi, tiếng nói dân tộc - thứ “ngôn ngữ mẹ đẻ” thiêng liêng của
bao thế hệ - đang dần bị lãng quên ngay chính trong môi trường học đường. Thế
nhưng, tại một ngôi trường nơi địa đầu Tổ quốc, vẫn có những thầy cô và học trò
lặng lẽ giữ gìn, vun đắp ngọn lửa yêu thương dành cho tiếng mẹ đẻ. Hành trình
tham gia Cuộc thi “Bảo tồn tiếng dân tộc Tày, Nùng dành cho học sinh trung học
cơ sở và trung học phổ thông trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng” của
Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Cao Bằng chính là một minh chứng đẹp cho
câu chuyện ấy.
Khởi
đầu: Khi tiếng dân tộc trở lại trong lòng học sinh
Ngày 26/3/2025, Sở Giáo dục và đào tạo Cao Bằng đã phối hợp với Sở Văn
hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch số 51/KH-BTC về tổ chức Cuộc thi “Bảo
tồn tiếng dân tộc Tày, Nùng cho học sinh Trung học cơ sở và Trung học Phổ thông
trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng” với mục đích đa dạng hoá các hình thức giáo dục về Công viên địa
chất toàn cầu UNESCO trong trường học; Đẩy mạnh hoạt động Câu lạc bộ “Cùng em
khám phá công viên địa chất”. Đồng thời thông qua Cuộc thi góp phần xây dựng phong trào học và nói tiếng dân tộc thiểu số
trước nguy cơ bị mai một ở thế hệ trẻ, từ đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, gìn
giữ ngôn ngữ bản địa trong bối cảnh toàn
cầu hóa. Cuộc thi nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhà trường. Song song với đó là một nỗi niềm trăn trở:
liệu học sinh - những bạn trẻ ngày càng quen với tiếng phổ thông - có còn đủ gần
gũi với tiếng Tày, Nùng để thể hiện trọn vẹn?
Trường Phổ thông Dân tộc nội
trú tỉnh Cao Bằng (PTDTNT) là nơi học tập của học sinh đến từ nhiều dân tộc
khác nhau trên địa bàn tỉnh. Mỗi dân tộc đều có nét đặc sắc riêng về ngôn ngữ,
trang phục, lễ hội, ẩm thực... việc giữ gìn và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn
hoá dân tộc càng trở nên cấp thiết và mang ý nghĩa sâu sắc, giúp các em học
sinh giữ gìn truyền thống và nuôi dưỡng niềm tự hào về cội nguồn. Đây là yêu cầu
trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đồng thời là trách nhiệm đối với mỗi học sinh
của nhà trường. Thực hiện kế hoạch
của Ban Tổ chức, Ban giám hiệu nhà trường đã ban hành kế hoạch tập luyện và
tham gia cuộc thi. Câu lạc bộ “Cùng em khám phá Công viên địa chất Non nước Cao
Bằng” được lựa chọn và giao nhiệm vụ thay mặt cho học sinh của nhà trường
tham gia cuộc thi, dẫn dắt học sinh trở về với tiếng nói của dân tộc mình, và từ
đó lan tỏa giá trị văn hóa bản địa đến cộng đồng.
Sáng
tạo - Tự hào - Quyết tâm
Đội thi của trường được thành lập gồm 5 thành viên chính thức sử dụng tốt
tiếng Tày, Nùng và một số học sinh tham gia hỗ trợ các phần thi dưới sự hướng dẫn
tập luyện của các cô giáo phụ trách Câu lạc bộ “Cùng em khám phá Công viên địa
chất Non nước Cao Bằng”. Hành trình đến với Cuộc thi bắt đầu bằng những buổi tập
luyện miệt mài sau giờ học, những lần “vấp chữ”, quên vần, những tiếng cười xen
lẫn lo lắng. Nhưng cũng chính từ đó, những ý tưởng độc đáo, sáng tạo cho các nội
dung của cuộc thi được hình thành.
Ảnh 1: Các thành viên tham gia cuộc
thi “Bảo tồn tiếng
dân tộc Tày, Nùng cho học sinh Trung học cơ sở và Trung học Phổ thông trong
vùng Công viên địa chất
Non nước Cao Bằng”
Tại vòng thi sơ khảo, Trường PTDTNT Tỉnh hoàn thành hai sản phẩm dự thi
theo yêu cầu của Ban Tổ chức: Bài báo cáo về hoạt động bảo tồn tiếng dân tộc
Tày, Nùng tại nhà trường trong thời gian vừa qua và nội dung phần thi năng khiếu
(được thể hiện bằng tiếng Tày, Nùng). Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo cho các
nội dung thi, Trường PTDTNT Tỉnh là một trong 6 đội thi của khối trung học phổ
thông tiếp tục tham gia vòng thi bán kết.
Ngày 20/5/2025 tại Hội trường Nhà văn hoá trung tâm tỉnh, các thành viên
của Câu lạc bộ “Cùng em khám phá Công viên địa chất Non nước Cao Bằng” sẵn sàng
bước vào vòng thi bán kết. Tại vòng thi này, các đội thi tham gia 2 phần thi:
Tuyên truyền viên giỏi và phần thi năng khiếu. Cả 2 nội dung thi đều được thể
hiện bằng tiếng Tày, Nùng.
Tham gia phần thi “tuyên truyền viên giỏi”, các thành viên của Trường
PTDTNT Tỉnh đã biến một bài báo cáo tưởng chừng khô khan với các con số, thông
tin trở nên lôi cuốn, hấp dẫn thông qua việc hóa thân thành “táo Tày, Nùng” để
kể chuyện bảo tồn tiếng dân tộc theo mô típ của chương trình Táo quân gần gũi,
hài hước, nhưng sâu sắc. Táo Tày, Nùng đã báo cáo lại các hoạt động cụ thể của Trường
PTDTNT Tỉnh trong những năm học qua nhằm góp phần bảo tồn tiếng dân tộc Tày,
Nùng thông qua hình ảnh, video, tranh vẽ… Phần báo cáo không chỉ là một phần
thi, mà còn là bức tranh thu nhỏ về những hoạt động cụ thể, thiết thực đang được
triển khai trong gìn giữ ngôn ngữ của các dân tộc tại nhà trường.
Ảnh 2: Phần thi “Tuyên truyền viên giỏi”
Đến với phần thi năng khiếu, thay vì hát múa
hay thuyết trình đơn thuần, đội thi của trường đã xây dựng một tiểu phẩm dưới
hình thức một cuộc thi sắc đẹp của các thí sinh là đại diện cho 4 tuyến du lịch
trong vùng Công viên địa chất qua vở kịch “Cần tẩư lẻ nữ hoàn cúa Công viên địa
chất” (Dịch là: Ai là người đẹp Công viên địa chất). Các thí sinh đã thể hiện
những nét đặc sắc của các tuyến du lịch mà mình đại diện thông qua năng khiếu
(hát, múa, đọc thơ) và hiểu biết kiến thức qua các câu hỏi của Ban giám khảo. Kết
thúc vở kịch là một bất ngờ khi danh hiệu người đẹp Công viên địa chất được
trao cho cả 4 thí sinh. Bởi mỗi tuyến du lịch trong vùng “Công viên địa chất
toàn cầu Unesco Non nước Cao Bằng" đều chứa đựng những giá trị độc đáo về
địa chất, lịch sử, văn hoá. Nếu thiếu đi một trong 4 tuyến du lịch sẽ không có
Công viên địa chất toàn cầu Unesco Non nước Cao Bằng hấp dẫn đối với khách du lịch.
Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá trong vùng Công viên địa
chất, trong đó có ngôn ngữ của các dân tộc là trách nhiệm của người dân Cao Bằng,
trong đó có các em học sinh. Đây chính là thông điệp được gửi đến thông qua nội
dung thi.

Ảnh 3: Phần thi năng khiếu
Kết thúc vòng thi bán kết, Ban giám khảo lựa chọn 4 đội đạt kết quả cao
nhất để tiếp tục tham gia vòng thi chung kết. Với sự thể hiện xuất sắc, Trường
PTDTNT Tỉnh là một trong bốn đội được lựa chọn tham gia vòng thi Chung kết, tiếp
tục cuộc hành trình bảo tồn và lan toả tiếng nói dân tộc Tày, Nùng.
Tỏa
sáng tại Chung kết
Thời gian chuẩn bị cho vòng Chung kết Cuộc thi không có nhiều, mỗi đội
thi chỉ có 7 ngày để chuẩn bị (ngắn hơn nhiều so với các vòng thi trước) cho 3
nội dung thi, đó là: Phần thi trắc nghiệm kiến thức; Phần thi năng khiếu; Phần thi thuyết
trình về các điểm di tích, danh lam thắng cảnh, văn hóa ẩm thực, làng nghề trong
vùng Công viên địa chất.
Dưới sự hướng dẫn của giáo viên phụ trách, sự nỗ lực
tập luyện của các thành viên trong đội thi, cùng tâm lý thoải mái, tự tin, các
thành viên của Trường PTDTNT Tỉnh sẵn sàng với quyết tâm cao để bước vào vòng
thi chung kết.
Tại phần thi kiến thức, 3 thành viên của trường đã tìm hiểu kỹ lưỡng các
chủ đề kiến thức về Công viên địa chất toàn cầu Unesco Non nước Cao Bằng để trả
lời các câu hỏi trắc nghiệm được Ban tổ chức đưa ra. Đội đã xuất sắc trả lời đúng
20/20 câu hỏi, mang về 40 điểm tuyệt đối cho phần thi đầu tiên.
Ảnh 4: Đội thi của trường PT DTNT Tỉnh
(bên phải) tham gia phần thi kiến thức
Trong phần thi năng khiếu, các thành viên của đội đã thiết kế và trình
diễn bộ sưu tập trang
phục dân tộc Tày, Nùng từ vật liệu tái chế. Với sự khéo léo của
các nhà thiết kế không chuyên, những bộ trang phục được làm từ bao bì, giấy
báo, nilon… đã trở thành những bộ trang phục đẹp mắt. Phần thuyết trình được thể
hiện bằng cả 2 ngôn ngữ là tiếng Tày và tiếng Anh với thông điệp: sự giao thoa
giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo tồn và hội nhập cùng thế giới để phát
triển bền vững.
Tại vòng thi thuyết trình, Ban tổ chức đã đưa ra 4 chủ đề để các đội lựa
chọn là: Ẩm thực, làng nghề truyền thống, trang phục dân tộc và danh lam thắng
cảnh. Đội thi của Trường PTDTNT tỉnh bốc thăm lựa chọn chủ đề làng nghề truyền
thống. Bạn Tô Minh Truyền, học sinh lớp 11A2 đã thay mặt cho đội thi giới thiệu
về làng nghề làm hương Phja Thắp. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung và phần
hỗ trợ trình bày, cùng phong thái tự tin, bạn Minh Truyền đã hoàn thành xuất sắc
nội dung thi của trường. Đây cũng là phần thi dành được điểm số cao nhất trong
4 đội thi.
Giây phút hồi hộp nhất đã đến khi người dẫn chương trình công bố kết quả
cuộc thi. Bằng những nỗ lực, cố gắng của các thành viên qua các phần thi, Trường
PTDTNT Tỉnh đã giành được hai giải: Giải Nhì toàn cuộc và giải thưởng “Phần thi năng khiếu được yêu thích nhất” qua bình chọn trên
trang fanpage của Ban tổ chức. Một kết quả xứng đáng sau những ngày vất vả tập
luyện, đóng góp thêm vào những thành tích của nhà trường trong năm học
2024-2025.
Cuộc thi không chỉ là một sân chơi bổ ích, mà còn là hành trình đầy cảm
xúc, nơi học sinh được trưởng thành trong nhận thức, tự hào về cội nguồn và lan
tỏa tình yêu quê hương bằng chính tiếng nói bản địa thân thương.
Tiếp
tục cuộc hành trình
Cuộc thi đã khép lại, nhưng hành trình giữ hồn tiếng dân tộc ở Trường
PTDTNT tỉnh Cao Bằng vẫn được tiếp tục. Từ sau cuộc thi, nhiều học sinh bày tỏ
mong muốn được học thêm tiếng dân tộc, tham gia các câu lạc bộ, tổ chức các buổi
nói tiếng mẹ đẻ theo từng nhóm.
Nhà trường sẽ tiếp tục duy trì và phát triển Câu lạc bộ “Cùng em khám
phá Công viên địa chất Non nước Cao Bằng” như một mô hình hiệu quả, góp phần
giáo dục văn hóa, kỹ năng sống gắn với bảo tồn di sản và xây dựng môi trường học
tập toàn diện. Đồng thời, đây chính là tiền đề để nhà trường tiếp tục triển
khai và thực hiện mô hình dân vận khéo với chủ đề: "Kin mác nhăng chứ cốc,
chứ co/Nội trú chứ tiểng Tày mại mại (dịch là: ăn quả còn nhớ gốc, nhớ cây/Nội
trú nhớ tiếng Tày mãi mãi) trong những năm học tiếp theo.
Ngôn ngữ là linh hồn của một dân tộc. Tại Trường PTDTNT tỉnh Cao Bằng,
ngọn lửa giữ gìn tiếng mẹ đẻ vẫn được thầy và trò nhà trường gìn giữ và phát
huy mỗi ngày. Hành trình ấy không dừng lại ở cuộc thi, mà sẽ tiếp tục lan tỏa
trong từng giờ học, từng buổi sinh hoạt, từng câu chuyện kể. Đó không chỉ là
thành tích của một cuộc thi, mà là lời hứa của thầy và trò Trường PTDTNT tỉnh Cao
Bằng: sẽ tiếp tục gìn giữ, lan tỏa tiếng nói quê hương để tiếng mẹ đẻ mãi vang
vọng giữa núi rừng biên cương./.
Lương Thị Thanh Thuỷ