Lan tỏa tình yêu di sản và tiếng nói dân tộc qua hoạt động Câu lạc bộ “Cùng em khám phá Công viên địa chất” tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng
Trong
bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá
truyền thống, đặc biệt là ngôn ngữ và di sản địa phương, đang trở thành nhiệm vụ
quan trọng trong giáo dục học đường. Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PT DTNT)
tỉnh Cao Bằng, hoạt động của nhiều câu lạc bộ (CLB) đã và đang phát huy hiệu quả,
góp phần lan tỏa tình yêu với di sản và tiếng nói dân tộc đến học sinh toàn trường.
Một
trong những CLB nổi bật là CLB “Cùng em khám phá Công viên địa chất”, nơi quy tụ
40 học sinh năng động, yêu thích tìm hiểu và quảng bá các giá trị của Công viên
địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. CLB được thành lập từ năm 2019, là
một trong số ít những CLB được thành lập khá sớm và duy trì các hoạt động thường
xuyên, hiệu quả.
Các buổi sinh hoạt định kỳ của CLB được tổ chức
đa dạng và linh hoạt: từ nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu các tuyến du lịch trải
nghiệm CVĐC đến tổ chức trò chơi, cuộc thi kiến thức, và tham gia các hoạt động
do Mạng lưới CVĐC toàn cầu phát động. Được sự quan tâm, hỗ trợ của Ban quản lí
công viên địa chất Non nước Cao Bằng, CLB đã được đầu tư cơ sở vật chất tại
phòng trưng bày chuyên đề trong khuôn viên trường - nơi giới thiệu trực quan
các tư liệu về địa chất, sinh thái và văn hóa, giúp học sinh dễ dàng kết nối kiến
thức sách vở với thực tiễn.
Ảnh 1:
Phòng trưng bày Công viên địa chất toàn cầu Unesco Non nước Cao Bằng tại Trường
PT DTNT Tỉnh
Ảnh 2:
Hoạt động sinh hoạt Câu lạc bộ vào tiết 5, thứ 5 hằng tuần
Ảnh 3:
Học sinh tìm hiểu, khai thác thông tin tại phòng trưng bày Công viên địa chất
toàn cầu Unesco Non nước Cao Bằng
Không
chỉ chú trọng đến kiến thức địa chất, CLB còn đi đầu trong việc gìn giữ và lan
tỏa tiếng nói các dân tộc thiểu số - một phần không thể tách rời của di sản văn
hóa địa phương. Năm học 2024 -2025, CLB đã tổ chức cuộc thi làm video “Tự hào
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng” với mục tiêu giới thiệu
điểm di sản, làng nghề, ẩm thực, lễ hội... bằng ngôn ngữ truyền thống kết hợp
công nghệ thông tin. 15 video dự thi, nhiều video sử dụng song ngữ tiếng Anh -
tiếng Tày, giới thiệu các địa danh như thác Bản Giốc, hồ Thang Hen, khu di tích
Pác Bó... Cuộc thi không chỉ khơi gợi niềm tự hào quê hương mà còn là bước đi
sáng tạo trong công tác bảo tồn tiếng mẹ đẻ.
Ảnh 4:
Kế hoạch tổ chức cuộc thi “Tự hào Công viên địa chất toàn cầu Unesco Non nước
Cao Bằng”
Ảnh 5:
Kế hoạch tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Bảo tồn ngôn ngữ, văn hoá trong
vùng Công viên địa chất toàn cầu Unesco Non nước Cao Bằng”
Tại
Liên hoan các CLB học sinh toàn trường, CLB đã dàn dựng và biểu diễn vở kịch
“Tìm về nguồn cội”, xoay quanh chủ đề bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa và trang phục
dân tộc Tày - một tiết mục gây ấn tượng mạnh và giành được giải Nhì. Ngoài ra,
các buổi sinh hoạt CLB còn lồng ghép trò chơi “Ai là vua tiếng Tày”, “Rung
chuông vàng - Di sản Cao Bằng”, với hệ thống câu hỏi bằng cả tiếng Việt, tiếng
Anh và tiếng dân tộc, tạo môi trường học tập vui nhộn mà vẫn đầy ý nghĩa giáo dục.
Các hoạt động trên thể hiện rõ vai trò của CLB trong việc bồi đắp kỹ năng mềm
cho học sinh như làm việc nhóm, thuyết trình, tư duy phản biện, đồng thời khơi
dậy lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy bản
sắc văn hóa truyền thống.
Trong
năm học vừa qua, nhà trường đã đón tiếp nhiều đoàn công tác và các Trường PT DTNT
ngoài tỉnh đến tham quan, học tập mô hình CLB. Tiêu biểu là chuyến khảo sát của
Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn, góp phần lan tỏa tinh thần giáo dục gắn với di sản địa
chất và ngôn ngữ dân tộc.
Ảnh 6:
Câu lạc bộ “Cùng em khám phá công viên địa chất Non Nước Cao Bằng” đón đoàn khảo
sát của Ban quản lý CVĐC Lạng Sơn
Năm 2025, Chi bộ Đảng nhà trường đã phát động và triển khai
mô hình dân vận khéo nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của tiếng Tày với chủ đề
"Kin mác nhăng chứ cốc, chứ co//Nội trú chứ tiểng Tày mại mại (dịch là: ăn
quả còn nhớ gốc, nhớ cây//Nội trú nhớ tiếng Tày mãi mãi); trong đó CLB đã tham
gia triển khai và là nòng cốt trong thực hiện hiệu quả mô hình.
Với nhiều hoạt động bổ ích, hấp dẫn và giàu tính trải nghiệm
cùng cách tiếp cận hiện đại, linh hoạt CLB “Cùng em khám phá CVĐC” không chỉ tạo
sức hút đối với học sinh mà còn góp phần hiệu quả trong việc tích hợp nội dung
di sản địa phương và ngôn ngữ truyền thống của dân tộc vào chương trình giáo dục.
Từ đó, chung tay bảo tồn cảnh quan môi trường và lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch
sử độc đáo của Cao Bằng đến thế hệ trẻ hôm nay và mai sau./.
Lương Thị Thanh Thuỷ